TOP

Trang chủ >>Sức Khỏe

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Sắt, kẽm tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, sản sinh tế bào miễn dịch lympho T và enzyme, giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhưng hai chất này khó hấp thu vào cơ thể.

 

Ngày 23/8, tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết sắt tham gia cấu tạo hồng cầu, sản sinh tế bào miễn dịch lympho T. Còn kẽm tham gia vào thành phần của 300 loại enzyme của cơ thể, phản ứng tiêu hóa thức ăn, xúc tác sản sinh yếu tố miễn dịch, tham gia tăng sinh hormone tăng trưởng xương.

"Nếu bị thiếu kẽm, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, thấp còi và tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus", bà Nga nói, thêm rằng nếu thiếu cả sắt và kẽm, trẻ có thể suy giảm đề kháng, dễ ốm vặt, làn xanh, tái, nhợt. Trẻ mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt. Nặng hơn, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, kém hấp thu, chậm cao lớn, dễ mắc bệnh về da.

Từ những năm 80, Việt Nam đã có chương trình phòng chống thiếu máu, thiếu sắt do Viện Dinh dưỡng Quốc gia chủ trì và triển khai. Nhờ đó, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam được giảm xuống, song vẫn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm dưới 5 tuổi. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018-2020), 58% trẻ em toàn quốc trong nhóm từ 6 đến 59 tháng tuổi bị thiếu kẽm.

Để bổ sung sắt, kẽm cho trẻ, tiến sĩ Nga cho biết cần chú trọng bổ sung ở tất cả giai đoạn phát triển, tính từ lúc còn là bào thai. Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm viên sắt theo khuyến cáo của bác sĩ.

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Bác sĩ Phan Thị Bích Nga khám dinh dưỡng cho trẻ ngày 19/8. Ảnh: Bùi Loan

Trẻ mới sinh ra trong 6 tháng đầu nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn, còn người mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung đa vi chất. Lý do là lượng sắt, kẽm dự trữ trong 3-4 tuần cuối thai kỳ chỉ đủ dùng trong 4-6 tháng đầu khi trẻ bú mẹ, với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và dinh dưỡng đầy đủ trong thai kỳ. Lượng sắt trong sữa mẹ khá thấp, một lít sữa mẹ chỉ chứa 0,35 mg sắt và khoảng 2 mg kẽm, giảm dần sau ba tháng.

"Trẻ bú mẹ rất nhiều, vượt quá khả năng của người mẹ, khó đáp ứng đủ nhu cầu kẽm và sắt của trẻ trong 6 tháng đầu", tiến sĩ Nga nói.

Bên cạnh đó, cơ thể không hấp thu 100% lượng sắt và kẽm có trong thức ăn. Khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%. Ngoài ra, việc hấp thu còn bị ức chế khi sử dụng kèm thực phẩm giàu chất phytate hoặc giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt. Vì vậy, sau 6 tháng, trẻ thường bị thiếu kẽm và sắt.

Do đó, khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, người thân cần thiết kế các bữa ăn hàng ngày đủ dinh dưỡng. Các thực phẩm như thịt bò, trứng, hàu, sò, ghẹ và một số loại rau lá xanh... rất giàu kẽm và sắt, gia đình nên tích cực bổ sung cho trẻ. Ban đầu, gia đình nên cho trẻ tập ăn với lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng thực phẩm.

Nếu trẻ bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, gia đình nên chủ động cho trẻ sử dụng thực phẩm bổ sung sắt và kẽm. Mọi người nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lựa được các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm đủ nhu cầu hàng ngày, song không làm dư thừa. Ví dụ, có thể chọn sản phẩm chứa đủ kẽm và sắt theo với tỷ kệ 1:1, hoặc kẽm thấp hơn sắt một chút sẽ đảm bảo hấp thu.

Chi Lê

Nguồn vnexpress.net

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm' - Sức Khỏe