TOP

Trang chủ >>Sức Khỏe

Tăng tốc tiêm vaccine ngăn chặn dịch sởi

Tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Để phòng bệnh, người dân cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tăng tốc tiêm vaccine ngăn chặn dịch sởi

Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, những tuần gần đây đã ghi nhận rải rác số ca mắc sởi. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có trên 20 trường hợp mắc sởi, trong đó chỉ trong 2 tuần gần đây đã có 11 ca. Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết là những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng sởi.

Ông Đào Hữu Thân - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Nội) cho biết, tình hình dịch sởi đang có xu hướng gia tăng. Dự báo từ giờ đến cuối năm, đầu sang năm, trên địa bàn có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc sởi. Điều kiện thời tiết hay những trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ là điều kiện gây gia tăng ca mắc sởi.

Dịch sởi cũng đang có diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Đơn cử, theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần đầu của tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở nhiều nơi. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu từ 1-5 tuổi và dưới 9 tháng tuổi. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine chứa thành phần sởi.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã ghi nhận 4 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh sởi. Ngành y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát, tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng nhanh, chưa có điểm dừng ở khu vực các tỉnh phía Nam.

Dịch sởi cũng đang có diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Khánh Hòa… Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca bệnh sởi năm nay tăng mạnh, tính đến tháng 9 vừa qua, số ca bệnh sởi đã tăng gấp 8 lần so với năm 2023.

TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ngay từ năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây, và nguy cơ lây lan dịch sởi trong trường học là rất cao. Hiện tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh sởi khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Trước tình hình nguy cơ dịch sởi lây lan, bùng phát; các địa phương đang nhanh chóng triển khai tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho trẻ theo kế hoạch tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi của Bộ Y tế.

Riêng tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã thống kê, thành phố có khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định. Từ ngày 14/10 vừa qua, Hà Nội đã chính thức triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi. Mục tiêu của Chiến dịch đặt ra là có trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định sẽ được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi - rubella (MR).

Còn tại TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, theo Sở Y tế TPHCM, tiến độ tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ từ 1-5 tuổi đã hoàn thành 100% và gần hoàn thành ở trẻ từ 6-10 tuổi với 99,99%. Thế nhưng, số ca mắc sởi ở trẻ 1-5 tuổi chưa giảm nhiều trong khi số ca mắc ở nhóm 11-17 tuổi đang tăng rất nhanh. Số ca mắc sởi trên 18 tuổi cũng có dấu hiệu tăng và 1 ổ dịch sởi ở người lớn trong nhà máy đã được ghi nhận.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, sởi là căn bệnh có tính lây truyền cao nhất bằng đường hô hấp, đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư. Đặc biệt, hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị căn bệnh này.

Do đó, để phòng bệnh, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh của từng cá nhân. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp thông thường như rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn họng miệng bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thì tiêm vaccine phòng sởi là ưu tiên hàng đầu và cần được áp dụng ở cả trẻ em và người lớn.

Nguồn daidoanket.vn

Tăng tốc tiêm vaccine ngăn chặn dịch sởi - Sức Khỏe