Rượu chịu trách nhiệm cho hơn 3 triệu cái chết trên khắp thế giới mỗi năm, trong đó có hơn 400.000 người chết vì ung thư. Các nhà nghiên cứu tại Anh mới đây phát hiện ra rằng với số lượng rượu được tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt ở những quốc gia phát triển nhanh chóng như Trung Quốc, “việc hiểu được nguy cơ mắc bệnh vì rượu là vô cùng cấp thiết”.
Theo một báo cáo của chính phủ Anh Quốc, lượng tiêu thụ rượu của quốc gia này trong giai đoạn 2019 - 2020, thời điểm trước và trong đại dịch, đã tăng 25%. Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng trước đại dịch, số người nhập viện và số người tử vong vì rượu vốn đã tăng cao và “dịch bệnh dường như đã khiến tình hình leo thang hơn”.
Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư (IJC), các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford (Mỹ), Đại học Bắc Kinh và Học viện Khoa học Y khoa (Trung Quốc) đã dùng mẫu ADN của hơn 150.000 người đang tham gia một nghiên cứu khác ở Trung Quốc. Nghiên cứu đó có 500.000 người tham gia từ năm 2004 - 2008 từ 10 khu vực khác nhau từ nông thôn đến thành thị ở Trung Quốc.
Rượu khiến tăng nguy cơ mắc 7 loại ung thư khác nhau. Ảnh minh họa.
Trước đây, tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc cho biết uống rượu tăng nguy cơ mắc 7 loại ung thư khác nhau bao gồm: ung thư vú, ung thư ruột, ung thư khoang miệng, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư hầu họng và ung thư gan.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học kết luận rằng sau hơn 11 năm, 6% trong số những người tham gia nghiên cứu mắc bệnh ung thư. Kết quả này không thay đổi khi số liệu được điều chỉnh sang các tác nhân có thể gây ung thư khác như hút thuốc, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, chỉ số cơ thể và tiền sử mắc ung thư của gia đình.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rượu là tác nhân trực tiếp gây ung thư, củng cố thêm lý do mọi người cần phải hạn chế uống rượu để ngăn ngừa ung thư.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết “vẫn chưa thể khẳng định liệu rượu trực tiếp gây ra ung thư hay nó còn liên quan đến các yếu tố trùng hợp khác như hút thuốc và chế độ ăn uống”.
Nhóm tác giả nghiên cứu còn chỉ ra rằng do phụ nữ Trung Quốc không thường uống rượu nên đối tượng phân tích chủ yếu là nam giới, trong đó ⅓ số người tham gia hầu như tuần nào cũng uống rượu.
Rượu và các thói quen hàng ngày như hút thuốc, chế độ ăn đều có nguy cơ gây ung thư. Ảnh minh họa.
Nhà nghiên cứu Iona Millwood của Đại học Oxford cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi củng cố thêm lý do cần phải giảm lượng tiêu thụ rượu để phòng chống ung thư, đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi lượng tiêu thụ rượu vẫn đang gia tăng dù khả năng dung nạp rượu của phần lớn người dân là khá thấp”.
Dù đồng ý rằng kết quả nghiên cứu củng cố thêm minh chứng rằng rượu có thể gây ung thư, nhưng Michael Jones - nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Ung Thư, London, nói: “Cần phải lưu ý nghiên cứu này thực hiện ở Trung Quốc - nơi các loại rượu được tiêu thụ và đặc điểm uống rượu có thể khác với những nơi khác trên thế giới. Nói cách khác thì kết quả nghiên cứu có thể khác nhau giữa các quốc gia khác nhau”.
Paul Pharoah, giáo sư về dịch tễ học ung thư tại Đại học Cambridge (Anh Quốc), nhận xét thêm rằng “hạn chế tiêu thụ rượu là một trong nhiều cách để sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư”.