TOP

Trang chủ >>Tin Mới

Kiểm soát thị trường thực phẩm Tết

Cuối năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là các loại bánh, kẹo, mứt… của người dân tăng cao. Trong khi đó, trên thị trường các loại thực phẩm này không có nhãn mác, không rõ chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, vẫn bày bán tràn lan…

 

Để cung ứng cho thị trường Tết, hiện các hệ thống siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market, Big C, GO!, Aeon, Emart... ngoài các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát đã chuẩn bị sẵn thì bánh, kẹo, mứt các loại cũng chất đầy tại các quầy kệ. Trong đó, hàng sản xuất trong nước chiếm đến 80% - 90%, còn lại 10% - 20% là bánh kẹo nhập chủ yếu từ Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ... với các nhãn hiệu quen thuộc Royal, White Castle, Bristish, Danisa... phục vụ chủ yếu cho nhu cầu làm quà biếu tặng.

Kiểm soát thị trường thực phẩm Tết

Các loại bánh, kẹo, mứt Tết không có nhãn mác bán tại chợ Bến Thành.

Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã đưa ra thị trường những sản phẩm chủ lực như Công ty Cổ phần Bibica với bộ sản phẩm bánh Goody có thiết kế sang trọng, sản phẩm thích hợp trong mỗi giỏ quà tặng; Công ty Mondelez Kinh Đô, đưa ra thị trường Tết nhiều loại bánh các nhãn hiệu Cosy, AFC, Oreo, Solite, LU, Cadbury, Slide…, với thiết kế bao bì đậm chất Tết Việt và giá cả linh động để người tiêu dùng (NTD) dễ dàng lựa chọn. Các loại mứt và hạt (thơm, xoài, dừa, gừng, hạt điều, hạt sen, hạt macca…) phần lớn là “đặc sản” của các địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước, chỉ một số ít là hàng nhập khẩu như mứt chà là, nho khô, kiwi sấy, hồng sấy… được đóng trong các hộp nhựa hoặc hút chân không.

Nếu như tại hệ thống phân phối hiện đại, các sản phẩm bày bán đều có nhãn hiệu, có thông tin sản phẩm, xuất xứ rõ ràng, thì tại các chợ truyền thống, chợ “online”... nhiều loại bánh kẹo, mứt, không có nguồn gốc xuất xứ, không có thông tin về chất lượng vẫn bày bán phổ biến.

Tại chợ Bến Thành, (Quận 1), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ An Đông (Quận 5)… gần như quầy nào cũng bán rất nhiều loại bánh, kẹo, mứt, không có thông tin về sản phẩm như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, cách bảo quản… kể cả địa chỉ của cơ sở sản xuất hay đơn vị nhập khẩu để chịu trách nhiệm về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm đang bày bán. Các loại sản phẩm này được đựng trong bao nilon trong suốt, bên ngoài bao bì duy nhất chỉ có dòng chữ viết tay tên của sản phẩm và giá bán, có nơi dán thêm mảnh giấy ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng nhưng cũng bằng… bút mực.

Để khách hàng yên tâm, người bán cho biết đó là những sản phẩm được làm tại nhà, hoặc của những cơ sở nhỏ trong nước sản xuất. Tuy nhiên, do trong thời gian qua do giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao, NTD cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm cuối năm nên cơ sở sản xuất không đóng gói bao bì sản phẩm là để tiết kiệm chi phí, làm ra sản phẩm có giá thành rẻ hơn và NTD sẽ được lợi.

Riêng chợ sỉ lớn nhất TP Hồ Chí Minh là chợ Bình Tây (quận 6), chuyên đóng hàng đi các tỉnh với số lượng lớn, tại mỗi sạp đều có hàng trăm loại bánh, kẹo, mứt, trong đó hàng Việt chiếm ưu thế. Khác với mọi năm, năm nay không xảy ra tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” các loại hàng ngoại khác (do Trung Quốc vẫn còn khó khăn với dịch COVID-19 nên hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam không nhiều), nhưng có nhiều loại bánh, mứt nhập khẩu như: các loại hạt, mứt dẻo, hồng dẻo, hạt dẻ cười, hạnh nhân, chà là, nho khô… nhập từ Đài Loan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ… cũng đựng trong bao bì không có nhãn mác, thậm chí chất đầy trên các khay nhựa không được che chắn cẩn thận… Trong khi đó, giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn nhiều so với sản phẩm sản xuất trong nước do chênh lệch tỷ giá, do chịu thuế nhập khẩu… nhưng lại được bày bán như nhau, không có thông tin nào chứng minh cho sản phẩm, người mua chỉ biết tin vào lời của người bán khiến NTD không biết đâu mà lần.

Có thể thấy, mặc dù chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các chợ truyền thống vẫn đang còn thả nổi nhưng không ít NTD vẫn thích mua sắm tại chợ truyền thống hơn tại các hệ thống siêu thị. Chị Nguyễn Thị Liên (quận 3) cho rằng, bánh mứt Tết trong siêu thị chủ yếu phù hợp làm quà biếu tặng, còn muốn mua các loại như: hồng treo gió, hồng chén, củ năng, mứt chùm ruột, mứt me sấy cay - sấy chua ngọt, me mãng cầu muối ớt... thì rất khó tìm trong siêu thị, trong khi ra chợ muốn tìm món nào cũng có. Đặc biệt, giá ở chợ rẻ hơn giá cùng loại bán trong siêu thị khoảng 10% - 15% nên nhiều người, đặc biệt là người có thu nhập thấp vẫn thích đi chợ hơn đi siêu thị.

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên đây là cao điểm NTD đi mua sắm Tết. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng, bảo đảm VSATTP cho NTD là rất cần thiết. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập 11 đoàn để kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết từ ngày 19/12/2022 đến ngày 12/3/2023.

Việc kiểm tra không chỉ tập trung ở các chợ mà còn kiểm tra ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, tập trung kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn của sản phẩm thực phẩm tại các cơ cở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết.

Nguồn baomoi.com

Kiểm soát thị trường thực phẩm Tết - Tin Mới