Không gian công cộng quanh hồ Xuân Hương hiện đang được nhiều du khách lui tới và đó cũng là nơi thường diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật cộng đồng - Ảnh: PY TRẦN
UBND TP Đà Lạt đã liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) để được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn thực hiện các thủ tục lập hồ sơ theo quy định của UNESCO.Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Tuổi Trẻ đã gặp đại diện TP Đà Lạt để ghi nhận ý hướng của TP này khi tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.
Mở cửa cho hoạt động xanh - sáng tạo
Ông Trần Duy Hùng (bí thư Thành ủy Đà Lạt): Đà Lạt tiếp tục kiên trì với mục tiêu xây dựng đô thị xanh và sắp tới đưa TP này gia nhập mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.
Đây là những kỳ vọng lớn của TP đã ấp ủ và đang thực hiện từ rất lâu thông qua nhiều dạng thức. Nhiều người có nói, có lẽ đô thị xanh hay đô thị sáng tạo UNESCO là kỳ vọng quá lớn cho Đà Lạt và sẽ khiến bộ máy gặp áp lực. Tôi không nghĩ vậy.
TP Đà Lạt có những yếu tố đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Đà Lạt luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc.
Không đô thị nào cùng lúc sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận: di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" (năm 2009), di sản phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" (năm 2005) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (năm 2015).
Hiện Đà Lạt là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sĩ tài năng đến với Đà Lạt để sáng tác, sáng tạo văn hóa - nghệ thuật.
Do đó, dù kỳ vọng có lớn nhưng xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và xu thế. Điều này trở thành mục tiêu của bộ máy lãnh đạo trong giai đoạn tới.
Để sớm đạt được mục tiêu đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO thì cánh cửa triển khai các "hoạt động xanh", sáng tạo phải được mở, với: Phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thoạt nhìn, các nội dung trên có vẻ quen, nhưng thực ra đã được tái định nghĩa để đúng với xu thế xanh - sáng tạo.
Xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị xanh và đô thị sáng tạo UNESCO là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và xu thế.