TOP

Trang chủ >>Tin Mới

Việt Nam sắp chạm mốc 10.000 ca Covid-19: Chuyên gia BV Bạch Mai chia sẻ 4 biện pháp chống dịch căn cơ, hiệu quả nhất

Chủng virus mới lây lan nhanh, độc lực tăng cao dẫn tới nhiều ca bệnh nặng. Các chuyên gia cho rằng chưa có biện pháp nào phòng dịch tốt hơn 5K + vắc xin.

 

Đến trưa 9/6, cả nước đã ghi nhận 9.505 bệnh nhân Covid-19, riêng làn sóng thứ tư này có 6.328 ca mắc. Trong đó, toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 3.586 ca, Bắc Ninh 1.170 ca, TP HCM 481 ca, Hà Nội 442 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 52 ca ở Bệnh viện K), Hà Tĩnh 13 ca. Như vậy, số ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày và tiệm cận gần con số 10.000 ca.

GS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức chống độc Việt Nam, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết hiện giờ virus SARS-CoV-2 biến đổi nhanh, độc lực mạnh, số ca mắc vẫn tăng cao.

Đến thời điểm này, các biện pháp chống dịch bền vững như chiến lược 5K + vắc xin vẫn đúng. Hiện chúng ta chỉ cách ly khu vực cục bộ, điều tra truy vết. Điều này có thay đổi so với thời gian trước nhưng phù hợp vì nếu phong tỏa hết như năm 2020 sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội.

GS Bình khẳng định, khi dịch Covid-19 mới xảy ra, người ta đều cho rằng virus đến rồi sẽ tự đi. Giống như dịch SARS năm 2020 với hơn 8000 người nhiễm virus sau đó virus cũng biến mất và không quay trở lại.

Nhưng lần này đã khác, virus không tự mất đi mà tồn tại lâu dài. Đến nay liên tục có các biến chủng mới, ủ bệnh nhanh, độc lực mạnh và chỉ có giải pháp căn cơ chặn virus là vắc xin.

Việt Nam sắp chạm mốc 10.000 ca Covid

Ảnh điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo PGS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Bệnh Mai, hiện nay, các chủng virus lây lan nhanh, 80% là lây trong cộng đồng, Bắc Giang, Bắc Ninh có tới hàng nghìn ca nhiễm.

Biến chủng mới của virus từ Anh và Ấn Độ thực sự gây quan ngại. Biến chủng ở Ấn Độ B.1.617.2 có thời gian ủ bệnh ngắn 2 – 4 ngày, gây ra nhiều ca bệnh diễn tiến nặng hoặc các ca tử vong không có bệnh nền.

Làm thế nào để sống chung với Covid-19 khi virus luôn biến đổi? Theo BS Cường, tính chất của virus càng ngày càng nguy hiểm. Từ đầu dịch, các quốc gia chủ quan đều lãnh hậu quả nặng nề. Vì vậy, thời điểm này các địa phương phải có cách các biện pháp chống dịch căn cơ:

Thứ nhất: tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở tổ chức thực hiện. Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, hài hoà giữa hai điều này sẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất

Thứ hai, cần chống 2 khuynh hướng: Một là lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thứ hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, cực đoan.

Thứ ba, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Thứ tư, sử dụng công nghệ tiên tiến như vắc xin, tiêm vắc xin trên diện rộng, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu.

Theo PGS Cường, virus biến đổi nhanh, thuốc đặc trị thì chưa có. Khi chưa có thuốc chữa bệnh hiệu quả thì kết hợp thực hiện 5K + vắc xin như Bộ Y tế đã yêu cầu là giải pháp căn cơ để ra khỏi dịch bệnh.

 

xahoi.com.vn

Việt Nam sắp chạm mốc 10.000 ca Covid-19: Chuyên gia BV Bạch Mai chia sẻ 4 biện pháp chống dịch căn cơ, hiệu quả nhất - Tin Mới