TOP

Trang chủ >>Làm Đẹp

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

 

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO) do Kantar tổng hợp (đơn vị %)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. Trong khi CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. CPI năm 2023 được dự đoán sẽ tăng từ 3.1% lên mức 4.5%, là hồi chuông cảnh báo sự biến động của giá bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tiêu dùng.

Cụ thể, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng được dự đoán sẽ sụt giảm nghiêm trọng từ 19.8% xuống còn 9% trong năm 2023 do tác động của của thị trường trong nước và nước ngoài.

Những dự báo này cho thấy, các gia đình đang thực sự đứng trước nguy cơ sụt giảm thu nhập buộc phải cân nhắc, đắn đo trước thói quen mua sắm hàng ngày, thậm chí đối với các mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi FMCG Monitor 2022 đưa ra dự đoán, ngành làm đẹp sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023.

Nếu như trước đây, ngành chăm sóc sắc đẹp nói chung được xem là dịch vụ xa xỉ dành riêng cho chị em phụ nữ giới thượng lưu thì thời gian gần đây, khi mức sống của con người thay đổi, nhận thức về nhu cầu làm đẹp ở Việt Nam ngày càng tăng cao đồng thời với sự phát triển của công nghệ đã khiến nhận thức về chăm sóc sắc đẹp thay đổi.

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Thị trường làm đẹp thay đổi (Nguồn: Phân tích thị trường ngành làm đẹp 2022 - Q&Me)

Thị trường Mỹ phẩm Việt Nam hiện có doanh thu khoảng 51.000 tỷ đồng /1 năm, quy mô tăng trưởng còn rất lớn.

Theo các báo cáo tổng hợp từ Mintel, Nielsen và insight, năm 2021 các sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 63%, chăm sóc da tăng 55%, đồ makeup tăng 25% so với năm 2018 và còn được đánh giá tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Khảo sát từ khoảng 400 nữ giới ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng cho thấy, có tới 95% khách chăm sóc da 1 tuần/ lần và 62% các cô gái trang điểm 1 tuần/ lần. Những con số này cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng Việt với việc chăm sóc sắc đẹp.

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Nguồn: Báo cáo Thị trường tiêu dùng Việt Nam, FMCG Monitor 2022 - Kantar

Vì thế, các dự báo đều cho rằng, bất chấp CPI tác động đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng thì ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, cụ thể là sản phẩm Tẩy trang và Chống nắng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao 2 con số trong 2 năm liên tiếp so với toàn ngành chăm sóc sắc đẹp.

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Người Việt sẵn sàng "thắt lưng buộc bụng" để dành tiền làm đẹp (Ảnh minh họa)

Để đáp ứng nhu cầu đó, trong thời gian qua các nhãn hàng đã thay đổi chiến lược, tác động trực tiếp vào nhận thức khách hàng bằng cách dùng KOL, Beauty Blogger phủ sóng dày đặc mạng xã hội.

Chưa kể các quan niệm về chăm sóc sắc đẹp nam giới cũng dần thay đổi tạo nên sự ra đời của các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nam trên thị trường.

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp

Nguồn: Phân tích thị trường ngành làm đẹp 2022 - Q&Me

Đáng chú ý hơn nữa, giá cả không còn là sự quan tâm hàng đầu của khách hàng Việt khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Yếu tố quyết định việc lựa chọn sản phẩm lại nằm ở chất lượng.

Với những phân tích và số liệu đó có thể thấy, người Việt đang dần hướng đến xu hướng làm đẹp kể cả khi họ phải “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu.

Lê Hiền

Nguồn giadinhonline.vn

Người Việt “thắt lưng buộc bụng” dành tiền làm đẹp - Làm Đẹp