TOP

Trang chủ >>Tin Mới

Lao động Nghệ An ra nước ngoài làm việc: Khó khăn và cơ hội

Bên cạnh thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc thì nhiều nước châu Âu cũng đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, lao động muốn 'đổi đời' từ việc đi xuất khẩu vẫn đối mặt với những khó khăn.

 

Hồ sơ tăng nhưng lượng xuất cảnh thấp

Lao động Nghệ An ra nước ngoài làm việc: Khó khăn và cơ hội

Tư vấn cơ hội việc làm và XKLĐ cho người dân tại phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Đình Tuyên

Bà Trịnh Thị Huyên - Giám đốc Công ty CPQT Kaizen cho biết, hiện nay, tại Nhật Bản đang cần nhiều lao động có tay nghề xây dựng và quản lý chuyền may. Chi phí ở thị trường này cũng chỉ ngang tầm với đơn hàng đi Đài Loan nên nhiều lao động mong muốn được tiếp cận thị trường này.

“Tuy lượng lao động cần được xuất cảnh trong năm nay lên tới hơn 3.000 người nhưng đa số còn phải chờ đợi vì phía đối tác còn chưa phê duyệt suất xuất cảnh. Năm nay, chúng tôi chỉ mới đưa được 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc”, Bà Huyên cho hay.

Lao động theo diện hợp đồng của công ty CP Quốc tế Kaizen làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Công ty cung cấp

Tình trạng hồ sơ tăng nhưng lượng xuất cảnh thấp cũng xảy ra ở nhiều đơn vị có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài. Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Công ty môi giới XKLĐ và việc làm Phúc Chiến Thắng cho biết: Dù chúng tôi nhận được đơn cung ứng tới hàng chục ngàn lao động cho 2 năm 2021, 2022 nhưng đến nay công ty chỉ mới đưa được 600 - 700 người đi các nước Nhật Bản, Đài Loan, Đông Âu... Theo ông Thắng, ngoài việc thị trường cung ứng lao động thu hẹp lượng lao động thì nhiều đơn vị hiện nay vẫn muốn kiểm tra lao động trước khi nhận vào làm việc. Vì vậy, nhiều đơn hàng ở Nhật Bản mong muốn phía Việt Nam không cung ứng lao động là người miền núi, người chưa qua đào tạo...

Lao động xây dựng ở thị trường Hàn Quốc. Ảnh: CSCC

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động và Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Dù thị trường lao động đang rộng mở, nhu cầu đi nước ngoài làm việc tăng cao nhưng lượng người xuất cảnh không tăng. Ngoài nguyên nhân một số đơn vị, nghiệp đoàn ở nước ngoài hết quota, thì nhiều thị trường đang nâng cao yêu cầu về chất lượng lao động, chỉ tuyển dụng lao động có tay nghề cao...

Nhiều cơ hội cho lao độngNgười lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tại Nghĩa Đàn. Ảnh: tư liệu Mih Thái

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 45.000 người. Trong đó, có khoảng 25.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Sở đã chỉ đạo thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh - sinh viên tham gia.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2023, lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ bùng nổ với những tín hiệu khả quan từ các thị trường truyền thống đến những thị trường mới. Nếu những thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục mở rộng cửa đón lao động Việt Nam thì các thị trường mới như châu Âu cũng đang hết sức rộng mở.

Ông Nguyễn Du - Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á cho biết, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như ở Đức, cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ nước này đã có những quy định mới trong việc cải cách nhập cư đối với lao động có tay nghề. Theo đó, những lao động nghề điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm... của Việt Nam được thị trường này chào đón với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc tốt...

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với những tiềm năng rộng mở như vậy, để việc xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao, việc cần làm bây giờ là chuẩn bị nguồn nhân lực tốt ngay từ đầu năm; mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp ngoại ngữ cho lao động ở vùng quê cũng như xây dựng cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho lao động nghèo,... để lao động Nghệ An yên tâm khi xuất cảnh. Đây cũng là cách thức nhanh nhất để xây dựng thương hiệu lao động Nghệ An trước các nghiệp đoàn quốc tế.

Nguồn baomoi.com

Lao động Nghệ An ra nước ngoài làm việc: Khó khăn và cơ hội - Tin Mới