Tới tháng 10, dù năm học 2024-2025 đã bắt đầu hơn một tháng nhưng ở nhiều địa phương, dư luận vẫn “nóng” với tình trạng lạm thu đầu năm học. Để tránh tình trạng lạm thu, có ý kiến cho rằng, nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nhiều khoản thu mang tên tự nguyện, xã hội hóa
Câu chuyện một cô giáo tại Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM) xin tiền phụ huynh để mua máy tính cá nhân (laptop) mới đây vẫn đang khiến dư luận bức xúc.
Theo như lời giải thích của cô giáo, vì máy tính bị mất nên cô này nghĩ đến việc xin tiền phụ huynh và gọi đây là xã hội hóa giáo dục. Dù cô giáo này đã nhận sai và xin lỗi nhưng hành động này của cô giáo ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người thầy và uy tín ngành giáo dục.
Tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), sau khi bức xúc phản ánh về các khoản thu, một số phụ huynh của Trường Tiểu học Hải Thượng vừa được trả lại số tiền gần 2 triệu đồng đóng trước đó.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Hải Thượng, trong danh sách các khoản thu đầu năm học mới của nhà trường, bên cạnh những khoản thu bắt buộc đối với học sinh, không ít những khoản thu mà phụ huynh cho rằng không đúng quy định.
Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) dự lễ khai giảng năm học 2024-2025.
Bảng thống kê thu, chi từ đầu năm học 2024-2025 của một lớp 6 tại Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) khiến nhiều người giật mình bởi số tiền lên tới 65 triệu đồng mà phụ huynh bỏ ra để mua sắm vật dụng phục vụ việc giảng dạy của giáo viên.
Trước ngày khai giảng năm học mới 2024-2025, một vài diễn đàn của phụ huynh học sinh TP Hà Nội cũng xôn xao câu chuyện được cho là diễn ra tại Trường THCS Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).
Theo thông tin phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh, nhà trường thông báo thu 200.000 đồng/học sinh để làm phông bạt che nắng ở sân trường. Các phụ huynh cho rằng, với tổng số gần 1.000 học sinh, thì số tiền 200 triệu đồng để làm phông bạt chưa phù hợp.
Ngoài ra, nhà trường còn thông báo, mỗi học sinh đóng 20.000 đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50.000 đồng/tháng để in sao tài liệu nhưng giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự đi in...
Ngay khi thông tin được đăng tải, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến lo ngại nguy cơ có thể đối diện với tình huống tương tự.
Quỹ phụ huynh đang bị biến tướng?
Dù năm nào, cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở, nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ghi nhận thực tế từ các sự việc cho thấy, sự bức xúc của phụ huynh học sinh không hẳn xuất phát từ việc phải đóng tiền cho con, mà vì sự thiếu minh bạch khi nhà trường tự đặt ra các khoản thu thiếu căn cứ, không hợp lý hoặc bắt buộc phải tự nguyện.
Để tránh tình trạng lạm thu, trên một số diễn đàn giáo dục, hiện nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm đồng tình với ý kiến này.
Không phủ nhận lợi ích, đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các hoạt động của nhà trường, tuy nhiên theo chuyên gia này, việc dạy và học là nhiệm vụ của thầy và trò chứ không phải của phụ huynh. Trong khi hiện nay, ban phụ huynh đang can thiệp khá sâu vào các hoạt động của nhà trường. Điều này đã bóp méo đi rất nhiều các hoạt động ý nghĩa trong nhà trường.
TS Vũ Thu Hương nêu ví dụ như việc trực nhật của học sinh hiện nay hầu hết các lớp đều thuê lao công thực hiện. Hay như hoạt động tri ân các thầy cô giáo nhân ngày 20-11, học sinh tham gia chỉ mang tính hình thức, còn lại do ban phụ huynh can thiệp, làm bóp méo ý nghĩa giáo dục học sinh.
Cũng theo bà Hương, quỹ phụ huynh xuất phát từ mục đích sử dụng nhằm tri ân thầy cô. Sau đó, quỹ này đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức mỗi năm một khác trở thành lạm thu.
Nhắc lại câu chuyện cô giáo tại TPHCM xin tiền phụ huynh để mua máy tính cá nhân, bà Hương nhìn nhận, một bộ phận giáo viên đang đề cao giá trị vật chất mà quên rằng điều quan trọng nhất của nghề giáo là giá trị dành cho học sinh. Nguyên nhân xuất phát cũng từ các khoản thu dành cho giáo viên từ quỹ phụ huynh.
TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm: “Việc lạm thu muốn giải quyết không quá khó. Cơ quan chức năng dù có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng vẫn chỉ nửa vời, chưa làm triệt để. Ngoài quy định chặt chẽ các khoản được phép thu, cần có quy định với các nhà trường tuyệt đối không được kêu gọi ủng hộ với bất kể hình thức nào”.
Bên cạnh các khoản tiền nhà trường được phép thu thì theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Bao gồm 8 khoản thu sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.