Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác thông tin tuyên truyền năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Ngày 27/9, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác thông tin tuyên truyền năm 2022.
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông trong tình hình mới, Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông ở Hà Nội, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở của 63 Sở Thông tin và Truyền thông.
Đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền
Phát biểu qua video trực tuyến, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã có sự phát triển bứt phá, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng và Nhà nước giao với nhiều thành tựu quan trọng.
Để đạt kết quả đó, công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ, trong đó, có sự tham gia trực tiếp, tích cực của những người làm công tác thông tin và truyền thông trong toàn ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông, bám sát các nội dung chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền.
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố Trung ương, cần bảo đảm cung cấp nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng quy định những thông tin, tài liệu chính thống cho Cổng, trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành.
Khi phát hiện có thông tin không chính xác, sai sự thật về hoạt động của Bộ, của ngành hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách, các cơ quan, đơn vị này cần thực hiện ngay việc phản hồi, cung cấp thông tin chính thống để phản bác, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của đơn vị và trên báo chí. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.
Đối với Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông, cần bảo đảm cập nhật, phản ánh kịp thời, chính xác, toàn diện về các hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông. Chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị để khai thác, tiếp nhận, chuyển tải thông tin chính thống về hoạt động của Bộ, của ngành.
Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, tạo sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của độc giả, công chúng. Chủ động phối hợp cung cấp thông tin, nguồn tin chính thông cho các phương tiện báo chí, truyền thông khai thác, sử dụng đăng tải, tạo sự lan tỏa thông tin tích cực về hoạt động của Bộ, của ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, phục vụ tốt hoạt động thông tin, truyền thông. Quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Đối với cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyền thông, cần tuân thủ nghiêm túc quy định về kỷ luật thông tin, về quy trình khai thác, tiếp nhận, biên tập, cập nhật đăng tải thông tin trên cổng, trang thông tin điện tử.
Chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Tự giác học hỏi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền, trong đó đặc biệt không ngừng tìm tòi phương pháp mới để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ của mình. Chấp hành nghiêm tục các quy định phát ngôn trên mạng xã hội.
Truyền thông chính sách: Chuyển từ "định tính" sang "định lượng"
Đề cập đến công tác truyền thông chính sách, ông Nguyễn Văn Hiếu, Cục phó Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trước đây, truyền thông chính sách mới chỉ tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện, chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách.
Theo cách làm cũ, truyền thông chính sách nặng về “định tính” hơn “định lượng”, chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình. Không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá. Dồn trách nhiệm lên “người phát ngôn” mà không nghĩ rằng phát ngôn là tổng thể rất nhiều yếu tố như văn bản, hình ảnh, video, chính sách ban hành... Ngoài ra, công tác truyền thông chính sách còn chưa đầu tư nguồn lực tương xứng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, với cách làm mới, cần phải nhìn thấy được hiệu quả của việc quản lý truyền thông chính sách, tức phải đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin...
Truyền thông cần đi trước, bằng nhiều phương thức như báo chí, thông tin cơ sở (loa đài phường xã), mạng xã hội, bản tin Zalo, tin nhắn ngắn, thông tin cảnh báo qua nhạc chuông nhạc chờ... để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận.
Theo ông Hiếu, báo chí cách mạng thì Nhà nước phải có cơ chế và phải hỗ trợ, báo chí dựa hoàn toàn vào thị trường thì sẽ thành báo chí thị trường. Báo chí phải là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách.
"Một số sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước", Cục phó Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu cho hay.
Chủ động, tích cực trong việc thông tin để công khai, minh bạch, tương tác 2 chiều với đối tượng của chính sách, người dân để xây dựng, thực thi cơ chế chính sách vì lợi ích chung.
Cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo, trên mạng. Thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình như họp báo thường xuyên hơn; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn. Đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin...
LÂM THẢO